Đừng nuôi hận thù từ những cái tên

Các em thường không cha hoặc không mẹ, hoặc không cả cha lẫn mẹ, phải sống nương nhờ vào người khác.

Nhiều năm đi dạy, mỗi khi nhận danh sách học sinh lớp mới, bắt gặp những cái tên đặc biệt như Hoài Hận, Trường Hận, Hạ Lệ, Huyết Lệ…, thì dù chưa cho học sinh làm lý lịch nhưng tôi cũng có thể đoán các học sinh ấy có hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn. 

Hầu hết dự đoán của tôi là đúng.

Đặt tên cho con là niềm vui sướng vô biên của cha mẹ. Những kỳ vọng, ước mơ về những điều tốt đẹp của các bậc cha mẹ được thể hiện qua tên con.

Vậy mà với những cái tên đặc biệt như thế, dù không nói ra người nghe vẫn dễ dàng liên tưởng đến một nỗi căm hờn, oán hận từ các đấng sinh thành trút lên tên của con cái. Mang hận thù của bản thân, cha mẹ đặt tên con để nhớ mãi, để nuôi dưỡng mãi oán hờn của riêng mình mà không nghĩ đến việc cái tên ấy có thể ảnh hưởng đời con.

Không biết tôi có quá nhạy cảm hay không nhưng những học sinh mang tên đặc biệt tôi từng dạy thường rơi vào nhóm thụ động, lặng lẽ, ít nói, ngại giao tiếp, hoặc rất nghịch phá, hiếu động và đôi khi rất vô lễ, thích bạo lực...

Những lần trò chuyện với các em, tôi nhận ra bọn trẻ không thích tên của mình. Chưa kể nhiều em sau đấy không theo đuổi việc học đến nơi đến chốn hoặc phải sống vất vả sau này, thậm chí còn hư hỏng hay bị tù tội. Không biết vì hoàn cảnh khó khăn hay vì cái tên đã làm các em tiếp tục hận thù!

Thật khó để trả lời, song chúng ta đều biết trong cuộc sống này có không ít đứa trẻ mồ côi, nghèo khó nhưng vẫn vươn lên.

Vậy nên mong các bậc cha mẹ có những nỗi bi thương hãy giữ trong lòng, đừng nuôi dưỡng hận thù bằng cách đặt tên con như thế!

Xóa bỏ uất hận, thù hằn chính là tích thiện cho bản thân và cũng là dạy con cái sự nhân hậu, vị tha. Cho con một cái tên cũng là cách bày tỏ tình thương yêu con...

theo tuoitre.vn