logo đặt tên cho con

Độc đáo lễ đặt tên của người Dao

Ở Việt Nam, người Dao tuy có dân số không đông nhưng các bản làng của họ trải rộng tại các miền rừng núi phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang,...) đến một số tỉnh trung du như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và miền biển Quảng Ninh (người Dao Thanh Y).

  • Ngoài ra, người Dao còn chia ra thành nhiều nhóm khác nhau, với những nét riêng về phong tục tập quán mà biểu hiện rõ rệt nhất là trên trang phục của họ như: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, Dao Quần Trắng,... Mặc dù, họ có nhiều nhóm người khác nhau như vậy nhưng ngôn ngữ của họ là thống nhất để đảm bảo mối quan hệ gắn kết giữa các cộng đồng người Dao với nhau
  • Có một lần chúng tôi may mắn đến được  huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, nơi mà hơn 80% dân tộc Dao đỏ sống  ở đây ở theo quan niệm của họ Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, người Dao đỏ phải qua 3 lần đặt tên. Lần thứ nhất vào ngày đứa bé tròn 1 tháng tuổi, lần 2 khi đứa trẻ lên 15 - 16 tuổi, lần 3 là vào ngày xây dựng gia đình (cưới). Người Dao đỏ coi việc đặt tên là việc hệ trọng trong cuộc đời con người.
  • Việc đặt tên của người Dao đỏ còn liên quan đến tổ tiên, thứ bậc của dòng họ. Mỗi dòng họ được đặt tên theo thứ tự, cấp bậc để phân biệt giữa các thành viên trong dòng họ, mỗi cấp bậc phải qua 5 đời mới được quay lại một lần để đặt tên. Vì vậy, khi đặt tên, gia đình, dòng họ xem xét rất kỹ thứ tự trong dòng họ mình, sau đó làm lễ xin phép tổ tiên "bàn vương", không được đặt tên trùng với tên tổ tiên (kể cả những người đã mất từ 5 đời trở lại).  
  • Lễ đặt tên được tiến hành qua nhiều nghi lễ khác nhau, mỗi nghi lễ diễn ra từ 2 - 3 ngày. Chủ lễ là 2 thầy cúng một thầy chính và một thầy phụ, 2 thầy cúng phải là người cùng dòng họ với gia đình đứa trẻ, hiểu biết về phong tục, hiền lành, có nhiều đức tính tốt; những người phụ lễ phải là những bậc cao niên, hiểu biết về phong tục tập quán dân tộc mình.
  • Tại lễ đặt tên, ngoài 2 thầy cúng và những người phụ lễ còn phải tìm 6 thanh niên (3 nam, 3 nữ) chưa xây dựng gia đình và là những thanh niên thông minh, nhanh nhẹn thuộc những bài hát đối đáp để thực hiện các bài hát đối đáp trong lễ đặt tên. Cùng với hát đối đáp còn có các điệu múa (múa phép). Đội múa từ 5 - 7 người (có thể nhiều hơn) là những thanh niên nam, nữ trẻ, khoẻ, đẹp, các động tác múa diễn ra theo từng nghi lễ khi thầy cúng yêu cầu. Trong nghi lễ, đứa trẻ được đặt tên cùng ông nội và những người trong đội múa phải mặc quần áo mới nhiều hoa văn rực rỡ, lưng thắt một sợi vải màu đỏ, đầu đội khăn quấn theo hình con vẹt (đối với nam), nữ đội khăn đỏ theo kiểu truyền thống.Nghi thức cúng đầy tháng cho con của người Dao đỏ ở Lào Cai

Một nghi lễ không thể thiếu tại lễ đặt tên.

  • Cuối nghi lễ, thầy cúng chính thay bộ quần áo bằng màu xanh lá cây, đứa trẻ được đặt tên cũng phải thay đổi kiểu áo theo tiến trình của từng nghi lễ.
  • Lễ vật dùng trong lễ đặt tên gồm: 4 con lợn từ 20 - 60 kg/con (tuỳ vào điều kiện của mỗi gia đình), 20 chiếc bánh gạo nếp, 5 lít rượu. Hai con lợn cạo sạch lông để làm lễ cúng tổ tiên, thần linh cùng một ít tiền âm phủ; 2 con lợn còn lại làm cỗ thết đãi mọi người tới dự và chứng kiến lễ đặt tên cho đứa trẻ.
  • Trong 3 lần đặt tên của người Dao đỏ, lần đặt tên thứ 2 mới là tên gọi chính thức thường dùng trong khi giao tiếp ở gia đình và ngoài xã hội. Tên gọi trong lễ đặt lần thứ 3 chỉ dùng khi cúng lễ hoặc khi chết con cháu dùng tên này để gọi hồn về thờ cúng.